• Địa chỉ
  • 85 Hoàng mai, Hà Nội
  • Thời gian làm việc
  • Tất cả các ngày trong tuần

Làm sao để phát hiện ung thư vú trong khi mang thai?

Làm sao để phát hiện ung thư vú trong khi mang thai?

Ung thư vú là nỗi sợ hãi của không ít chị em, nhất là chị em đang trong thời kỳ thai nghén. Ung thư vú khi đang mang thai mặc dù rất hiếm nhưng không phải là không có. Nhất là khi xu hướng hiện nay đa phần chị em muốn sinh con muộn, tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn khi bạn lớn tuổi. Chính vì vậy để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé việc phát hiện ung thư vú trong khi mang thai là điều rất cần thiết. Tất cả có trong bài chia sẻ ở dưới đây, cùng tìm hiểu nhé !

Khảo sát cho thấy cứ 10.000 thai phụ thì có 1-10 người bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung trong thai kỳ; trong khi đó ung thư vú được xác định chiếm khoảng 39% các ca thai phụ bị ung thư.

Ung thư vú là gì?

Ung thư vú là loại ung thư thường được chẩn đoán nhất ở những phụ nữ Việt Nam. Căn bệnh này xảy ra khi các tế bào ung thư phát triển từ mô vú. Mô vú bao gồm các tiểu thùy và các ống dẫn sữa của vú, cùng với mô mỡ và mô liên kết.

ung thư vú
ung thư vú

Ung thư vú nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ gây tỉ lệ tử vong cao. Bệnh thường tiến triển nhanh hơn ở phụ nữ mang thai do những thay đổi về nội tiết.

Phát hiện ung thư vú trong khi mang thai

Thai phụ khi mắc phải ung thư vú, việc phát hiện sẽ khó khăn và chậm trễ hơn rất nhiều so với phụ nữ không mang thai. Nguyên nhân là do việc mang thai sẽ làm chậm các triệu chứng của ung thư vú cho đến khi sinh nở.

Trên thực tế, nữ giới khi mang thai, ngực sẽ phát triển để cho con bú, điều này khiến các mô ở vú trở nên dày đặc hơn, rất khó khăn để chụp nhũ ảnh phát hiện ung thư vú sớm. Bên cạnh đó, những biến đổi bất thường trong giai đoạn đầu do ung thư rất dễ gây nhầm lẫn với những dấu hiệu khi có thai.

Một số biểu hiện của ung thư vú mà các thai phụ có thể nhận biết đó là sờ thấy khối u ở xung quanh vú hoặc cảm thấy đau ở khu vực này. Nếu nhận thấy các dấu hiệu này, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.

Hiện nay, các bác sĩ thường áp dụng phương pháp “tam giác chẩn đoán” để chẩn đoán bệnh ung thư vú ở phụ nữ có thai.

+ “Đỉnh” đầu tiên của “tam giác chẩn đoán” là thăm khám lâm sàng. Người bệnh sẽ được bác sĩ lâm sàng kiểm tra các dấu hiệu bên ngoài và khai thác tiền sử bệnh.

+ Ở đỉnh thứ 2 của “tam giác chẩn đoán”, thai phụ sẽ tiến hành siêu âm, với sóng âm thanh cao tần giúp tái tạo lại hình ảnh mô vú, phục vụ cho công việc chẩn đoán.

Tiếp đó, người bệnh sẽ được chỉ định chụp nhũ ảnh (chụp x-quang vú). Trong quá trình chụp, bạn sẽ được mặc đồ bảo hộ để bảo vệ thai nhi tránh khỏi các tia bức xạ trong quá trình chụp.

Hiện nay, một phương pháp khác để chẩn đoán bệnh ung thư vú cho phụ nữ mang thai cũng có thể được áp dụng đó là MRI vú (chụp cộng hưởng từ). Theo nghiên cứu, phương pháp này hoàn toàn an toàn cho thai phụ.

+ “Đỉnh” cuối cùng của “tam giác chẩn đoán” đó là giải phẫu bệnh với hai phương pháp:

– Sinh thiết lõi kim: dùng một cây kim có lõi rỗng để lấy một mẫu mô của tuyến vú rồi đem đi phân tích dưới kính hiển vi quang học

– Sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA): dùng một cây kim nhỏ và ống tiêm để lấy một vài tế bào tuyến vú rồi đem phân tích dưới kính hiển vi quang học

Trong một vài trường hợp, việc chẩn đoán bằng sinh thiết lõi kim không thực hiện được, thai phụ buộc phải phẫu thuật để có thể lấy nhiều mẫu mô hơn. Phương pháp này được gọi là sinh thiết cắt trọn (hay cắt một phần) được thực hiện dưới sự gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân.

Phát hiện ung thư vú khi mang thai có cần đình chỉ thai không?

Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng việc chấm dứt thai kỳ sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh đối với các thai phụ bị ung thư vú.

Tuy nhiên, với những trường hợp phát hiện ung thư vú khi mới có thai thì vấn đề đình chỉ thai sẽ được đặt ra. Đặc biệt, điều này trở nên cần thiết với những trường hợp được chỉ định khẩn cấp liệu hóa pháp bởi nó sẽ khiến phôi thai bị nhiễm độc, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.

Trong trường hợp người mẹ vẫn muốn giữ thai thì có hai lựa chọn:

– Chờ đến khi thai đã ở 3 tháng giữa (ngoài 12 tuần thai nghén) mới bắt đầu dùng hóa liệu pháp.

– Tạm thời áp dụng các phương pháp can thiệp ngoại khoa và chờ khi đẻ xong thì bắt đầu điều trị bổ sung.

Điều trị ung thư khi mang thai bằng cách nào?

Nguyên tắc điều trị bệnh ung thư vú cho phụ nữ có thai và cả không có thai đó là kiểm soát ung thư, không để tế bào ung thư di căn. Hiện nay, việc áp dụng phương pháp điều trị nào cho nữ giới mang thai bị ung thư vú thường phụ thuộc vào các yếu tố như:

– Kích cỡ khối u

– Vị trí khối u

– Ung thư đã di căn hay chưa, nếu đã di căn thì đã di căn bao xa

– Có thai ở tháng thứ mấy

– Mong muốn của người bệnh

Các phương pháp điều trị ung thư vú cho phụ nữ mang thai được áp dụng phổ biến hiện nay gồm:

+ Phẫu thuật:

Là phương pháp thường được áp dụng đối với các trường hợp bị ung thư vú khi mang thai vì nó được thực hiện rất an toàn. Thai phụ có thể lựa chọn 2 hình thức phẫu thuật điều trị ung thư vú gồm: Phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú hoặc hẫu thuật bảo tồn tuyến vú.

+ Hóa trị

Phương pháp này không được chỉ định đối với những trường hợp đang mang thai 3 tháng đầu vì nó có thể gây ra tổn thương cho thai nhi hoặc sảy thai. Ở những tháng tiếp theo, phương pháp này khá an toàn cho cả mẹ và bé.

+ Xạ trị

Phương pháp này chỉ được áp dụng sau khi sinh nở đối với một số trường hợp đã hóa trị trong 3 tháng giữa thai kỳ. Các chuyên gia không khuyến khích xạ trị trong mọi giai đoạn thai kỳ, bởi vì dù liều lượng có rất thấp đi chăng nữa vẫn tồn tại rủi ro cho thai nhi.

Hi vọng những thông tin trên đây đã phần nào giúp mọi người giải đáp được thắc mắc “Làm sao để phát hiện ung thư vú trong khi mang thai.”

Nếu không may mắc phải căn bệnh này khi đang trong thai kỳ, chị em cần phải thật bình tĩnh để lựa chọn ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu chữa trị sớm và đúng phương pháp, bạn vẫn đảm bảo cho trẻ ra đời an toàn cũng như bảo toàn tính mạng của bản thân.

Đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng đến việc chữa trị cũng như sự phát triển của thiên thần nhỏ nhé!

[addtoany]

Bác sĩ Trần Hiền 

Tốt nghiệp Đại học y dược Thái Bình, Hiện nay bác sĩ Hiền đang công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An. Với lòng yêu nghề mong muốn đem những kiến thức kinh nghiệm của mình giúp ích cho nhiều người. Bác sĩ Hiền đã tham vấn chia sẻ những kiến thức y khoa mảng bệnh nam - phụ khoa, sức khỏe giới tính, các bệnh thường gặp...trên Vnguide.com

Bình luận của bạn